Viêm não do virus thường xuất hiện và tạo thành đỉnh dịch ở phía Nam trong giai đoạn mùa mưa từ khoảng tháng 5 cho đến tháng 10. Nhưng năm nay, chỉ trong 4 tháng đầu năm, lượng bệnh nhân nhập viện vì viêm não do virus đã tăng đột biến. Và đến đầu tháng 6, thì nguy cơ bùng phát dịch tại TP.HCM đang ở mức báo động.
Ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, các bác sĩ cho biết, từ tháng 1 cho đến tháng 5, mỗi ngày bình quân có khoảng 5 bệnh nhi nằm điều trị viêm não. Nhưng bắt đầu từ tháng 6 số lượng đã tăng đến 12 bệnh nhi mỗi ngày. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng trong trường hợp tỉ lệ mắc viêm não tăng cao.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh tại bệnh viện
Nhi đồng 1 cho biết, đây là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh nhất. Do thời tiết
mưa nắng thất thường, khiến sức đề kháng của trẻ bị giảm, dễ bị virus
tấn công. Hơn nữa, thời tiết quá nóng hay quá lạnh đều là môi trường tốt
để virus lây lan.Theo bác sĩ Khanh, virus viêm não có thể lây lan qua đường ăn uống, hô hấp và do muỗi đốt. Đầu mùa mưa, muỗi phát triển nhiều, nếu người lớn không chú ý phòng chống muỗi đốt cho trẻ, nguy cơ trẻ nhiễm viêm não và cả sốt xuất huyết sẽ tăng cao.
Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất
Điều đáng nói là số trẻ biến chứng nặng đang tăng cao, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, 5/12 trẻ đang điều trị viêm não do virus phải thở bằng máy. Bệnh viêm não do virus khi đã trở nên biến chứng nặng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Bài liên quan:
Theo bác sĩ Khanh, sở dĩ lượng trẻ nhập viện với biến chứng nặng tăng cao là vì phụ huynh nhầm lẫn triệu chứng bệnh viêm não với các bệnh cảm sốt thông thường khác.
Bác sĩ Khanh cho biết: “Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, mất định hướng, rối loạn nghe nói, co giật, đờ đẫn... Một số phụ huynh chủ quan, khi dùng thuốc kéo dài mà trẻ không hết bệnh mới đưa đi bệnh viện thì bệnh đã nặng, có trẻ còn bị rối loạn tri giác”.
Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ là cách phòng ngừa bệnh quan trọng và hiệu quả nhất
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng
bệnh viêm não, vì đây là cách phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin cơ bản như sau: mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3
- 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.Ngoài việc cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, phụ huynh phải phòng chống muỗi đốt cho trẻ và diệt muỗi. Sinh hoạt hợp lý để tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy nước mũi, ho, nôn, nằm li bì kéo dài, … đặc biệt là trong thời tiết chuyển mùa thất thường như hiện nay, thì cần đưa trẻ đến bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khoa để trẻ được khám và điều trị kịp thời.
Theo Nguyên Ngọc (Khám Phá)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét